Lái xe địa hình Off-road tại Việt Nam không còn là phong trào bộc phát mà đã trở nên có tổ chức trong nhiều năm qua với một số giải đua hấp dẫn như Hạ Long Challenge (từ mô hình đua địa hình quốc tế RFC - Rainforest Challenge), Saigon Adventure Trophy đến Damb’ri Challenge...
Cuộc đua địa hình nổi tiếng theo mô hình RFC năm nay dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 tại Bình Dương - Tp.HCM, hứa hẹn xốc lại phong trào off-road - bộ môn thể thao đầy thử thách và mạo hiểm này. DanhgiaXe sẽ làm đầy chuyên đề off-road với những bài viết giới thiệu chi tiết từ nhập môn đến chuyên sâu về off-road nói chung và về giải đấu gay cấn này theo dòng sự kiện.
Phần 1 - Yêu cầu của xe off-road
Chơi off-road hiểu nôm na là lái xe 2 - 4 bánh vượt qua những địa hình khó khăn, chinh phục đá núi, rừng rậm, sa mạc cho đến sông hồ, ao suối… (những chỗ mà người ta không thể gọi là đường - road). Để tham gia cuộc chơi này, người lái không chỉ cần có kỹ năng lái thật cứng, am hiểu về xe địa hình, mà kiến thức về thiên nhiên, địa lý, vật lý… cũng là những yếu tố vô cùng quan trọng để người lái (nài) và nhất là phụ lái, xử lý tình huống.
Ngoài người lái và phụ, thì xe và trang bị đi kèm chiếm vị trí không nhỏ để chinh phục đường đua off-road. Không phải tự nhiên mà những chiếc xe off-road được mua về và độ lại với giá gấp 3 gấp 4 lần giá mua xe ban đầu (để rồi có khi nhận ra: đỉnh cao nhất vẫn là… trở về với nguyên bản!). Vậy tiêu chí cơ bản nào đáp ứng cho một chiếc xe off-road?
Động cơ mạnh mẽ
Động cơ là yếu tố quan trọng có thể đặt lên đầu, đây cũng là giới hạn của các giải đua, ví dụ giải dành cho xe dung tích nhỏ hơn 3L, và từ 3L trở lên. Xe off-road máy dầu khá được ưa chuộng vì có được moment xoắn cao ở số truyền thấp (lực kéo cao nhất ở vận tốc thấp) giúp xe mạnh hơn khi cần vượt chướng ngại. Và cũng cần hiểu rõ vận hành của xe, người lái mới có thể đạp chân ga vừa đủ để tạo sức mạnh cực đại, chứ không phải cứ nhấn hết ga thì sẽ vượt qua như kiểu “chân to” (dân chơi có hẳn tiếng lóng để chỉ các nài này).
Hệ thống truyền động ưu việt
Yêu cầu đầu tiên phải nói đến là hệ thống truyền động 2 cầu với bộ khung gầm chắc chắn, khoảng sáng xe lớn (gầm cao) và nếu muốn đi “hạng nặng” thì hộp số cần phải có hộp số phụ với số L (Low). Bộ phận giảm xóc cũng khá quan trọng vì làm tăng khoảng sáng gầm xe và góp phần tránh va chạm đến những bộ phận khác khi di chuyển.
Phần lớn xe off-road là xe bán tải. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những chiếc bán tải ngày nay được bổ sung nhiều tính năng an toàn tiên tiến với những trang bị hữu ích cho việc di chuyển trên địa hình khó:
Kiểm soát độ bám đường Traction Control: đây là trang bị khá phổ biến trên những dòng bán tải 4x4. Trên mỗi dòng xe, Traction Control được thiết lập và hiển thị khác biệt. Nó có thể đơn giản chỉ là một nút bấm on/off trên bảng điều khiển hoặc một loạt tùy chọn phức tạp phụ thuộc vào điều kiện di chuyển. Bạn không cần phải quan tâm quá nhiều đến hệ thống này mà chỉ cần hiểu và sử dụng nó đúng cách.
Hiểu theo cách đơn giản, Traction Control có thể can thiệp vào hệ thống phanh và dẫn động 4x4 nhằm giới hạn độ trượt bánh xe, tối ưu hóa độ bám đường. Hệ thống này đảm bảo mô-men xoắn được truyền tối đa xuống mặt đường. Một số mẫu bán tải mới, Traction Control hiển thị mức độ trượt của bánh xe và lực phanh áp dụng trên màn hình trung tâm. Có rất nhiều loại kiểm soát độ bám đường, bạn có thể tìm hiểu rõ hơn hệ thống này trên hướng dẫn sử dụng xe.
Hai chế độ dẫn động 4WD: với các chế độ Low - cầu chậm và High - cầu nhanh. Ở chọn chế độ Low, hệ thống dẫn động cung cấp nhiều mô-men xoắn hơn để giúp xe vượt qua đoạn đường gồ ghề hay leo dốc. Khi đó, xe di chuyển ở tốc độ thấp, duy trì ở cấp số thấp và chuyển cấp chậm. Ở chế độ High, xe di chuyển ở tốc độ cao và giữ đà tốt. Chế độ này giúp xe di chuyển tốt trên đường trường, đường trơn trượt…
Khóa vi sai: giúp bánh bên trái và bên phải của trục bánh quay cùng tốc độ. Thông thường khi vào cua trên đường nhựa, bánh xe ở trong sẽ quay chậm hơn bánh xe bên ngoài do quãng đường đi ngắn hơn. Tuy nhiên, khi off-road, tốc độ không đều giữa bánh xe bên trái và bên phải có thể làm mất độ bám đường vì lực kéo bị dồn sang bánh quay nhanh hơn, thường là bánh đang bị trượt. Vì vậy, xe 4x4 cần được tích hợp khóa vi sai để hạn chế chênh lệch về số vòng quay, giúp hai bánh xe di chuyển cùng tốc độ. Trước đây, người lái phải bước xuống xe và kích hoạt khóa vi sai bằng tay. Nhưng, công nghệ khóa vi sai mới cho phép tài xế kích hoạt chỉ bằng một nút bấm.
Những phụ kiện cần thiết cho xe off-road
Sau khi đã tìm hiểu được tiêu chí xe và những tính năng Off-road sẵn có trên bán tải, điều quan trọng không kém là những thiết bị hỗ trợ đi kèm, đây cũng là những phụ kiện chủ lực làm nên thành công của chuyến đi. Những phụ kiện này không chỉ giúp bạn chinh phục thử thách một cách dễ dàng mà còn đảm bảo an toàn cho bản thân người lái và đồng đội. Có 7 phụ kiện tối quan trọng được đề cập bên dưới:
Tời
Đây là phụ kiện gần như bắt buộc phải có. Tời là loại máy để nâng, kéo các vật nặng lên bằng dây chão hoặc xích cuộn. Thông thường có hai loại tời: tời điện và tời cơ. Tời điện sử dụng mô tơ chạy bằng điện 12V từ bình ắc-quy trong xe với hệ truyền động chậm nên khá mạnh. Sức kéo của tời cơ có từ hộp số, được truyền trực tiếp thông qua một cây láp. Khi xe gặp sự cố như sa lầy hoặc phải leo con dốc quá cao, người lái có thể móc một đầu dây cáp của tời vào một nơi cố định như gốc cây, tảng đá hoặc có khi là một xe khác để kéo tời. Tùy vào từng loại mà tời điện hay tời cơ sẽ tạo ra một lực kéo khác nhau, có thể từ 3 đến 5 tấn, thậm chí lên đến 9-10 tấn, để có thể kéo chiếc xe thoát ra. Những chiến binh hạng nặng còn trang bị hai đến ba tời, cả phía trước, phía sau. Và khi đó, phần cản trước được gia cố để tăng kết nối chịu lực.
Tời kéo xe khi cần thiết
Dây kéo co giãn: Dây kéo co giãn là một giải pháp lấy lại đà chạy cho xe. Dây kéo này khác với loại dây được dùng để kéo xe thường thấy. Nhờ tính năng co giãn, sợi dây có thể hấp thụ lực và chuyển thành đà kéo xe ra khỏi hố bùn. Chiến thuật kéo xe theo đà không nên sử dụng đối với dây không co giãn vì khi đó, chiếc xe có thể lao đi như một mũi tên và gây tổn thương cho người phía trước.
Dây kéo co giãn
Lốp xe: Một bộ lốp tốt có thể tương thích với hầu hết địa hình khác nhau. Lốp xe đóng vai trò quyết định trong việc giữ độ bám đường. Không có bộ lốp tốt, những trang bị Off-road trên xe bạn chỉ trở nên thừa thải. Điều quan trọng là lốp chuyên dụng đi đường bùn lầy sẽ khác với lốp đi đường cát, đá… Vì vậy, tốt hơn hết, bạn hãy đến các cửa hiệu lốp xe để trò chuyện với chuyên gia.
Bánh xe bám đường
Hệ thống treo: Chúng ta thường chọn thiết lập hệ thống treo rẻ tiền nhưng không biết rằng điều này có thể gây ra hậu quả khôn lường. Dù bạn tin hay không, hệ thống treo là yếu tố cơ bản quyết định khả năng Off-road. Bộ giảm chấn hấp thụ xung lực từ môi trường và hạn chế tác động lên thân xe. Từ đó, xe sẽ ít bị hư hỏng và đảm bảo an toàn người dùng.
Nếu cần nâng cấp chiếc xe, bạn hãy nghĩ đến hệ thống treo trước tiên. Hệ thống treo tốt sẽ làm giảm gánh nặng của bạn đi rất nhiều.
Khung chắn: Để bảo vệ chiếc xe trên đường mòn, bạn cần trang bị khung chắn trước. Phụ kiện này sẽ giúp hạn chế va đập bởi đá, cây cối và cả động vật. Ngoài ra, những tín đồ Off-road còn có thể xem xét đến việc trang bị khung bảo vệ cản sau. Đa số khung chắn sau cho phép tích hợp bánh dự phòng phía sau xe, thay vì để dưới gầm. Điều này bảo vệ bánh xe khỏi bị thủng hay dính bùn đất.
Khung chắn trước
Tấm tăng ma sát Maxtrax: được thiết kế mởi người Úc Brad McCarthy. Phụ kiện này được mô tả đơn giản là một tấm cứng có bề mặt ghồ ghề. Khi rơi vào hố bùn, bạn hãy đặt tấm này dưới bánh xe để giúp tăng độ bám đường và lấy đà chạy.
Tấm tăng ma sát Maxtrax
Ống thở: Ống thở là phụ kiện vô cùng cần thiết khi xe lội nước. Không có ống thở, nước sẽ tràn vào động cơ qua các lỗ thông hơi và phá hủy máy xe. Nếu tích hợp ống thở, các lỗ thông hơi thấp sẽ bị bịt kín, không khí đi vào động cơ được lấy từ trên cao. Nhờ đó, xe sẽ không bị tắt máy hay hỏng hốc.
Ống thở
Người đi off-road qua nhiều lần “xông pha trận mạc” sẽ gặt hái được nhiều kinh nghiệm và càng đam mê hơn, ham muốn độ xe, gắn thêm đồ chơi, sửa đổi kết cấu… nhằm cải thiện khả năng chinh chiến cho những lần đi tới (hoặc có thể trở nên chán chường, bỏ cuộc vì thấy mình sẽ... chơi hoài mà không tới).
Để chọn cho mình một chiếc xe off-road phù hợp, bạn cần tham gia lái thử và tự mình trải nghiệm. Và rõ ràng đây là sân chơi chỉ dành cho những người hiểu xe, mang trong mình máu phiêu lưu mạo hiểm, kèm thêm “nhà có điều kiện”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét