Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Thế giới công nghệ biến đổi trong tay Steve Jobs

Ngài "phù thủy" của Apple đã qua đời ở tuổi 56. Song để nói về cách mà ông đã thay đổi diện mạo của thung lũng Silicon, cách thế giới tiêu dùng tương tác với công nghệ vào những ngày đầu tiên của kỷ nguyên kỹ thuật số và những ý tưởng cách tân đã thay đổi một lúc nhiều ngành công nghiệp như công nghệ thông tin, giải trí... vẫn còn là câu chuyện dài.

Ảnh minh họa: Apple

Bài viết Nhịp sống số giới thiệu đến bạn không phải để tiếp tục công việc ca tụng Steve Jobs, mà để nhìn lại cách mà con người huyền thoại này đã đứng dậy sau mỗi lần thất bại ra sao.

Năm 1985, khi công nghiệp máy tính cá nhân đang hứng chịu một thời gian dài thua lỗ cùng với những chỉ trích từ công luận về cá tính mạnh mẽ đến “đáng ghét” của Steve Jobs, ban quản trị công ty quyết định sa thải ông. Tuy vẫn được giữ ghế chủ tịch, song Steve không còn được tham gia vào bất cứ công việc nào của bộ phận phụ trách Macintosh.

Điều này đã giáng một đòn nặng vào Steve Jobs, song như ông đã tâm sự trước các tân sinh viên vừa tốt nghiệp tại Đại học Stanford năm 2005, nó lại là động lực để ông thành lập một đế chế mới cho riêng mình, đó là NeXT. Sản phẩm đầu tay của hãng, chiếc máy tính NeXT Cube, đã không thành công như mong đợi.

NeXT Cube - Ảnh minh họa: Internet

Tất cả nằm ở yếu tố giá cả, chiếc NeXT Cube đã được Steve Jobs chỉ định ở mức… 9.995 USD - quá đắt cho một workstation (máy trạm chuyên nghiệp) vào thời điểm bấy giờ. Các trường đại học khi đó có thể mua được một cấu hình tương đương từ DEC, HP và Sun với giá rẻ hơn rất nhiều. Chiếc NeXT Cube đã chết khi mới ra khỏi trứng, bất chấp một thiết kế công nghiệp tinh tế, giao diện người dùng nhanh và đi trước thời đại cùng một ổ cứng 250 MB, rất lớn vào thời bấy giờ.

Như một hậu quả không thể tránh khỏi, các cửa hàng máy tính - vốn trước đó kỳ vọng có thể bán được 15.000 đơn vị sản phẩm một năm - cuối cùng chỉ chứng kiến một con số èo uột 360 chiếc đến được tay khách hàng khi năm 1989 kết thúc. NeXT gần như phá sản, và như thể mọi thứ chưa đủ tệ với Jobs, một dự án đầu tư khác của ông là Pixar cũng đang chật vật để tồn tại.

Mọi thứ chỉ thay đổi đáng kể vào năm 1993, khi NeXT quyết định dừng mọi hoạt động sản xuất thiết bị phần cứng để tập trung cho mảng phần mềm. Như vậy, ngay cả sản phẩm hậu sinh của chiếc NeXT Cube là NeXTstation - vốn từng được Tim Berners-Lee dùng để phát minh ra Internet - cũng nhanh chóng kiếm được chỗ trong… viện bảo tàng. Song ngay cả khi đã có một quyết định táo bạo, NeXT vẫn không mấy thành công trong công việc tìm kiếm thêm thị phần.

Jobs vẫn bị xem là “kẻ vô hình”, cho đến khi Pixar quyết định “lên sàn” lần đầu tiên vào tháng 11-1995, sự kiện đã giúp Steve Jobs trở thành tỉ phú chỉ sau một đêm. Và đây chính là lúc Steve Jobs “tái xuất giang hồ” và là bắt đầu của chương vĩ đại nhất trong lịch sử ngành công nghệ Hoa Kỳ.

Sự trở về của nhà vua

Tháng 12-1996, Apple tuyên bố thâu tóm NeXT, đổi tên thành NeXT Software. Jobs liền quay lại đế chế cũ với tư cách “chuyên viên tư vấn”, có nhiệm vụ báo cáo trực tiếp đến chủ tịch và CEO của Apple khi đó là Gilbert Amelio. Đúng nửa năm sau, Amelio “khăn gói ra đi”, và thế chỗ là… Steve Jobs.

Steve Jobs trên bìa tạp chí Fortune chỉ ít lâu sau khi trở lại “ngai vàng” của Apple - Ảnh: Internet

Với mức lương tượng trưng chỉ 1 USD một năm, Steve Jobs quyết tâm làm một cuộc “thay máu” bên trong Apple. Ông khai tử mảng kinh doanh máy tính cầm tay Newton - vốn chỉ toàn thua và lỗ, và tận tay sắp xếp lại một loạt những dòng sản phẩm đang bị phân mảnh trầm trọng của Mac để biến chúng thành một hệ thống khoa học hướng thẳng đến giới tiêu dùng.

Nhưng đến đây lại mở ra một khó khăn mới: công nghệ được sử dụng trong máy Macintosh đã không còn sức để cạnh tranh với sản phẩm tương tự từ Microsoft. Windows 95 là một thành công không thể chối cãi vào thời điểm đó, mô phỏng khá nhiều tính năng từ Mac, và chỉ ít năm sau đó là Windows 98.

Chưa hết, những máy sử dụng hệ điều hành Windows còn được “trợ lực” bởi các vi xử lý Pentium mạnh mẽ. Trong khi đó, Apple chứng kiến cảnh sản phẩm của mình bị sao chép bởi quá nhiều hãng cạnh tranh, và điều này đang đánh mạnh vào doanh thu của công ty.

Nạn nhân đầu tiên là Dell. “Tôi chỉ còn nước đóng cửa mảng sản xuất máy trạm và máy chủ, sau đó trả tiền cho các cổ đông” – Michael Dell than vãn vào năm 1997.

Steve Jobs và một chiếc iMac, 1998 - Ảnh minh họa: Internet

Không nản chí, chỉ một năm sau sự trở về, Jobs trình làng chiếc iMac lịch sử, một máy tính tất-cả-trong-một với vỏ nhiều màu sắc, cùng một chiến dịch quảng cáo mang slogan ấn tượng “Think different” (tạm dịch: tư duy khác biệt), trong đó mang hình ảnh các cá nhân kiệt xuất như Albert Einstein và Jim Henson. Tất cả đã tạo ra thành công ngoài sức tưởng tượng cho cá nhân Steve Jobs lẫn Apple, và dĩ nhiên không thể không kể đến những thành quả chất xám của đội ngũ NeXT chính là hạt nhân để làm nên một hệ điều hành Mac OS X, cung cấp cho Apple một “cú hích” công nghệ thật sự, như khả năng đa nhiệm, môi trường làm việc cao cấp, cùng một giao diện vượt xa phiên bản ổn định nhất của hệ điều hành Unix khi đó.

Không ngủ quên trên thành công trước mắt, Steve Jobs không ngừng chấn chỉnh đội ngũ công ty. Ông sa thải 4 trong tổng số 5 thành viên cấp cao của Apple bằng những nhân viên cũ tại NeXT. Ông còn gửi email đến nhân viên, nghiêm cấm họ không được mang thú cưng đến văn phòng, và cấm hút thuốc ngay cả trong khu vực đậu xe. Và bất cứ ai, dù vô tình hay cố ý, để lộ thông tin nội bộ ra ngoài sẽ lập tức bị sa thải.

Thay đổi công nghiệp giải trí số

Năm 2001, Apple trình làng máy nghe nhạc iPod, tái định nghĩa hoàn toàn mọi thể loại thiết bị nghe nhạc cầm tay đang hiện diện trên thị trường lúc bấy giờ. Lập tức, Apple nắm trong tay 70% thị phần của thị trường máy nghe nhạc cầm tay.
iPod thế hệ đầu tiên của năm 2001, bên cạnh iPhone 3G (2008) - Ảnh minh họa: Internet

Hai năm sau, cửa hàng trực tuyến iTunes Store ra đời. Steve Jobs đã thuyết phục thành công các hãng thu âm cung cấp nhạc cho iTunes để bán với giá 99 xu Mỹ một bản nhạc. Đến nay, Apple vẫn giữ nguyên cương vị là hãng bán lẻ âm nhạc lớn nhất thế giới.

Steve Jobs trên bìa tạp chí Newsweek, “Tôi dùng iPod, vì thế tôi tồn tại” - Ảnh minh họa: Internet

Song Steve Jobs còn nổi tiếng hơn ở cách ông tiếp thị và bán ra những sản phẩm của mình, thông qua các chiến dịch quảng cáo tinh tế và thu hút tại chuỗi cửa hàng bán lẻ của riêng Apple. Và cũng chính tại đây, khái niệm “Apple” không còn là một thương hiệu công nghệ đơn thuần nữa, mà đã trở thành một “biểu tượng pop” đích thực.

Steve Jobs giới thiệu iTunes Store vào năm 2003 - Ảnh minh họa: The Guardian

Trong tất cả những thành công mang tính “cách mạng” đó, Steve Jobs từng miêu tả triết lý mà bản thân đã và đang áp dụng cho “Quả táo”: “công nghệ phải đi kèm với tính nghệ thuật”. Bằng cách này, ông đã biến Apple trở thành hãng công nghệ có giá trị lớn nhất hành tinh, với giá trị thị trường lên đến 350 tỉ USD, vượt qua cả gã khổng lồ Microsoft.

Sự mỉa mai, nếu có, ở đây là gì? Nếu Steve Jobs không bị đuổi khỏi chính công ty do ông gây dựng nên, có lẽ Apple đã chịu cùng một số phận với Dell, và thế giới công nghệ đã không có một “vị phù thủy” như ngày hôm nay.

Câu chuyện cổ phiếu Apple: từ 10 USD - 400 USD
Dưới đây là cách mà Steve Jobs đã “hô biến” giá trị cổ phiếu Apple từ mức 10 USD thành 400 USD, để giúp Apple trở thành hãng công nghệ giá trị nhất thế giới với giá trị thị trường 350 tỉ USD.
Cột đứng bên tay trái là giá trị cổ phiếu theo từng giai đoạn - Ảnh minh họa: CNN
2001: chiếc iPod có tốc độ tiêu thụ vẫn khá chậm, cho đến khi iTunes Store ra đời.
2003: iTunes Store trình làng, bán lẻ từng bài hát với giá 99 xu Mỹ.
2004: Steve Jobs bị chẩn đoán ung thư tuyến tụy, trải qua cuộc phẫu thuật đầu tiên.
2005: iPod Shuffle và Nano ra mắt, iTunes đạt mức 500 triệu lượt tải về.
2006: Apple kỷ niệm sinh nhật lần thứ 30. Lợi nhuận trong năm này đạt 2 tỉ USD.
2007: iPhone ra mắt, bán được 1 triệu đơn vị chỉ trong chưa đầy 3 tháng.
2008: Chiếc laptop siêu mỏng đầu tiên của thế giới: Macbook Air và phiên bản 3G của iPhone lên kệ.
2009: Steve Jobs trải qua ca phẫu thuật ghép gan. Tim Cook tạm thời thay ông tiếp quản công việc hằng ngày. Cổ phiếu Apple tụt giảm rõ rệt do những lo ngại từ giới đầu tư.
2010: Tablet iPad bán được 3 triệu chiếc chỉ trong 80 ngày. Còn iPhone 4 chỉ mất 3 ngày để xuất xưởng 1,7 triệu chiếc.
Đầu 2011: Steve Jobs lại phải dưỡng bệnh, song vẫn xuất hiện để giới thiệu chiếc iPad 2 và dịch vụ trực tuyến iCloud. Đây cũng là lúc cổ phiếu Apple đạt mức cao nhất.
 
Theo Tuổi trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét